Khi thị trường chè truyền thống đã ổn định, Công ty trà Sương Mai Thái Nguyên bắt đầu chuyển hướng sang sản xuất mỹ phẩm từ chè sạch với những chấp nhận rủi ro khi cơn bão thị trường mỹ phẩm cạnh tranh khốc liệt. Nhưng nói như lời Chủ tịch HĐQT Bùi Huy Hùng thì mọi sự mới là khởi đầu, và chưa thử nghiệm sao biết thành hay bại.
Nỗ lực “đi qua thời gian khó”
Chủ tịch HĐQT Bùi Huy Hùng tiếp tôi bên ấm trà Sương Mai kê ngay bên hè một con phố nhỏ của Hà Nội, nơi Công ty Trà Sương Mai đặt trụ sở. Cơn mưa rào bất chợt của Hà Nội không ngăn nổi bước những khách quen đến thưởng thức trà nơi đây. Câu chuyện về chè với Hùng cứ dài bất tận, giống như con người trẻ tuổi này sinh ra là để gắn bó với chè, với vùng đất chè Thái Nguyên nổi tiếng nơi Hùng sinh ra.
Từ những năm của thập kỷ 70, khi cả gia đình Hùng bắt đầu lên vùng chè Thái Nguyên sinh sống. Vốn là một phụ nữ đảm đang tháo vát, mẹ Hùng đã bắt đầu nuôi các con mình lớn khôn từ việc đi bán chè ở chợ huyện. Ban đầu chỉ là những mẹt chè nhỏ, bán lẻ cho những người nghiền trà, nhưng lâu dần bà bỏ mối bán buôn, với những khách hàng lớn hơn, sản phẩm bán nhiều hơn. Từ chỗ chỉ bán chè, bà bắt đầu nghĩ đến việc sản xuất chè với vùng nguyên liệu sẵn có. Năm 1986 xóa bao cấp, Tổ Hợp tác Trà Tân Cương tiền thân của Công ty Trà Sương Mai Thái Nguyên được thành lập, bà con vùng chè ở nơi gia đình Hùng ở đã kêu gọi nhau vào tổ hợp tác. Nhà này dắt nhà kia, cả vùng chè rộng lớn hình thành. Ban đầu gia đình Hùng chỉ có 1ha để trồng chè, qua thời gian đến nay diện tích này đã gấp 36 lần. 36ha chè tại vùng chè nổi tiếng nhất cả nước cho đến bây giờ Sương Mai vẫn là doanh nghiêp có vùng nguyên liệu thuộc tốp đầu.
Bùi Huy Hùng tiếp quản truyền thống gia đình chính thức từ năm 2010, nhưng đó là trên cương vị Chủ tịch HĐQT. Còn với chè, nó dường như đã “ngấm” vào con người này từ khi còn rất nhỏ. Giai đoạn 2011-2012 cũng đúng là lúc thị trường chè đi qua thời kỳ thịnh vượng nhất và bắt đầu khó khăn khi kinh tế thế giới khủng hoảng, thị trường các nước Châu âu không còn nhập trà xanh. Giá chè đi xuống, sản xuất cầm chừng, 4 nhà máy chè lớn ở Thái Nguyên đều phá sản.
Tổ hợp tác Trà Tân Cương tiền thân của Công ty Trà Sương Mai cũng vậy Trước đây thời kỳ đỉnh cao, mỗi năm Công ty xuất 350 tấn chè giờ con số chỉ còn lại chưa đầy 1/5. Giá chè rớt thê thảm khiến người lao động phải bỏ việc, cả vùng chè chỉ còn loáng thoáng mầu xanh. Lúc bấy giờ nhiều người khuyên Hùng nên chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác cho “hợp thời”, đảm bảo có lợi nhuận. Nhưng Hùng thì vẫn kiên định. “Đã là cái nghiệp thì sao bỏ được, với lại chè không chỉ là loại thức uống đơn thuần, nó là đạo Trà Việt, nó còn mang hồn phong cách Việt”, Hùng tâm sự.
Trong lúc thị trường chè suy giảm, sản xuất cầm cự thì Công ty Trà Sương Mai do Hùng làm Chủ tịch HĐQT vẫn tiếp tục đầu tư vào dây truyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hùng tâm sự, yếu tố quan trọng và duy nhất giữ người dùng chè lựa chọn sản phẩm này mà không phải sản phẩm khác đó chính là chất lượng. Chè do Công ty Trà Sương Mai làm ra luôn đảm bảo yếu tố sạch. Muốn vậy đòi hỏi từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến chế biến, tiêu thụ…đều phải tuân theo một quy trình hết sức nghiêm ngặt như nguồn nước, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc hữu cơ. “Nhìn thì đơn giản, nhưng để có một ấm trà đậm đà, khác biệt tạo nên phong cách, hồn cốt của mình là cả một vấn đề khó khăn”, Hùng tâm sự.
Không chỉ đối với những dòng chè cao cấp (có giá thành lên tới vài trăm triệu/kg) mà ngay cả dòng chè bình dân 300-500 ngàn/kg bán trong các siêu thị, hoặc xuất khẩu sang một số nước cũng được chè Sương Mai chăm chút, đảm bảo về chất lượng.
“Có những khách hàng cả chục năm nay chỉ uống mỗi một loại chè của Sương Mai, trung thành với chè truyền thống, rất nhiều người đã giới thiệu bạn bè, đối tác cho Sương Mai. Giá thành dòng chè cao cấp của Sương Mai không hề thấp, không phải ai cũng có thể dùng thường xuyên nhưng qua thời gian thì dòng sản phẩm này đã tiêu thụ ổn định, giống như người ta vẫn nói “đáng đồng tiền bát gạo” bỏ ra. Nhiều người mua trà Sương Mai đem đi biếu, tặng và vì thế Trà Sương Mai đã có mặt ở nhiều nơi, từ trong nước ra nước ngoài”. Chủ tịch HĐQT Bùi Huy Hùng cho biết.
Không vi phạm đạo đức và pháp luật: kim chỉ nam cho mọi hoạt động
Qua đi thời kỳ khó khăn nhất của chè, Sương Mai là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân đến nay đã ổn định thị trường chè truyền thống. Ngoài việc tiêu thụ trong nước, 10 năm nay chè Sương Mai có mặt ở thị trường Nga, 5 năm nay có mặt ở Thái Lan. Ngoài ra, qua đường tiểu ngạch còn xuất sang một số nước như Mỹ, Nhật, Pháp..
Nhận thấy tiềm năng của vùng chè còn rất lớn cả về nguyên liệu, nhân công, lẫn bề dày hàng chục năm làm chè…sau nhiều ấp ủ, dự định Hùng quyết định tìm hướng đi mới với thử nghiệm dùng chè làm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng. Ban đầu mất rất nhiều thời gian vì đây là những công thức hoàn toàn mới, phải có thử nghiệm mới có thể thành công. Vậy là Hùng cùng nhóm bạn cả trong và ngoài nước mày mò nghiên cứu đi qua Nhật, Trung Quốc, Srilanka để học hỏi.
Có lẽ do quá hiểu về những thuộc tính của chè nên thuận lợi là những sản phẩm chè mỹ phẩm đầu tiên ra đời cũng chỉ mất chưa đầy 1 năm nghiên cứu. Nhưng cái khó là đặt chân vào thị trường mỹ phẩm và thực phẩm chức năng thì không đơn giản do có quá nhiều sản phẩm cạnh tranh, đã có bề dày thời gian và thương hiệu. Nhưng Hùng thì vẫn không nản chí với niềm tin, rằng chè là sản phẩm đồ uống tốt cho sức khỏe chắc chắn sẽ tốt cho công cuộc làm đẹp của chị em nếu có những công thức phù hợp.
Sau thời gian, những sản phẩm chè mỹ phẩm đầu tiên như: son, dầu gội, kem trị nám, kem đắp mặt, bột tắm trắng. Thực phẩm chức năng: Trà giảm béo, thải độc, thanh lọc cơ thể, trà matcha hỗ trợ tiểu đường, huyết áp…của Sương Mai đã lần lượt ra đời. Sương Mai cũng là Công ty đầu tiên làm thực phẩm chức năng từ chè sạch. “Thực ra cũng có những thương hiệu khác làm mỹ phẩm từ chè nhưng Sương Mai có thể tự tin vì 90% nguyên liệu trong sản phẩm của Công ty làm từ chè, đảm bảo sức khỏe”, Chủ tịch Hùng cho biết.
Nhưng làm mỹ phẩm từ chè sạch cũng có cái khó là việc cạnh tranh về giá thành. Do chi phí sản xuất cao và nguồn nguyên liệu chất lượng đầu vào khá đắt nên đẩy giá thành sản phẩm lên. Đơn cử, thỏi son trên thị trường hàng bình dân giá chỉ vài ba trăm ngàn nhưng với Sương Mai, 800-900 ngàn/thỏi không phải ai cũng dễ chấp nhận nếu chưa trải nghiệm. Hay đối với thực phẩm chức năng, 500-700 ngàn/lọ 60 viên cũng không phải là giá dễ mua đối với những người có thu nhập trung bình. Vì thế, theo Chủ tịch Hùng, hiện dòng sản phẩm này chủ yếu được bán qua các đại lý trực tiếp của Sương Mai và online. Tuy nhiên, nếu những người đã từng dùng thì thường quay lại bởi sự an toàn tuyệt đối của sản phẩm.
Sương Mai hiện có 3 nhà máy, 1 nhà máy sản xuất mỹ phẩm tại Long An, 1 nhà máy chè ở Thái Nguyên, 1 nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng ở KCN Thanh Trì, có 12 showroom trên cả nước với khoảng 100 lao động nhưng Sương Mai vẫn luôn muốn mở rộng quy mô sản xuất với nhiều nghiên cứu, thử nghiệm mới.
Cùng với việc mở rộng sản xuất kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ với cộng đồng, Công ty trà Sương Mai luôn chấp hành đúng các quy định pháp luật về thuế, bảo hiểm cho người lao động. Chủ tịch HĐQT Bùi Huy Hùng quan niệm “Thời đại sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật thì bất kể cá nhân, tổ chức nào cũng phải chấp hành đúng pháp luật, có như vậy, mới phát triển bền vững”. Với kim chỉ nam của Sương Mai là không vi phạm đạo đức và pháp luật nên ngoài việc tham gia góp ý kiến để hoàn thiện các chính sách pháp luật về doanh nghiệp, khi có cơ hội, Bùi Huy Hùng còn tự học hỏi và tham gia các diễn đàn doanh nghiệp, gần đây nhất là tham gia đóng góp ý kiến minh bạch nguồn thu đối với các doanh nghiệp kinh doanh online của Chương trình Quốc hội với cử tri.
Bên cạnh đó Công ty Trà Sương Mai cũng nhiệt tình trong các chương trình vì cộng đồng như: Tài trợ và kêu gọi các nhà tài trợ cho các bệnh nhân bị tim bẩm sinh của Trung tâm tim mạch Bệnh viên E, tài trợ chi phí mổ tim cho bé Vũ Mạnh Dũng để em trở lại cuộc sống bình thường. Công ty cũng trực tiếp tham gia đoàn tình nguyện giúp đỡ bà con bị sạt lở đất và lũ cuốn ở Mường Chiền, tỉnh Hòa Bình năm 2018.
Ngoài các chương trình cộng đồng Sương Mai cũng luôn đồng hành cùng với các chương trình của Chính phủ, của hiệp hội để cùng nhau xây dựng nền tảng xã hội cũng như đóng góp chung vào sự phát triển của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình như việc chung tay xây dựng thương hiệu và hỗ trợ đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam thì Sương Mai là đơn vị tài trợ gói chăm sóc sức khỏe góp phần giúp các tuyển thủ an tâm tập luyện đóng góp vào phát triển bóng đã nữ nước nhà
Và còn nhiều hoạt động khác nữa mà Sương Mai đã thấm nhuần tư tưởng và đã thể hiện trong triết ký kinh doanh của Công ty đó là xây dựng môi trường kinh doanh là quan trọng nhưng tốt nhất là xây dựng môi trường sống để chúng ta ngày càng có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn, những đóng góp của Sương Mai cũng đã được UBDN TP Hà Nội trao giải doanh nghiệp tiêu biểu TP Hà Nội
Mặc dù Công ty Trà Sương Mai đã đạt được những thành công nhất định nhưng với tâm huyết đưa trà Việt Nam lớn mạnh ra thế giới trở thành sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn để sánh vai với các cường quốc thì các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Sương Mai còn rất nhiều việc phải làm đặc biệt sau đại dịch Covid_19 vừa qua Sương Mai lại càng phải cố gắng hơn nữa.
Nhiều trăn trở với thị trường chè truyền thống cũng như chủ trương đột phá vào thị trường chè – mỹ phẩm mới, song Trà Sương Mai cũng như cá nhân Chủ tịch HĐQT Bùi Huy Hùng vẫn luôn tin tưởng những nỗ lực bền bỉ của mình sẽ nhận được thành quả xứng đáng, đó là niềm tin, là sự yêu quý của khách hàng dành cho Sương Mai.
Thu Hằng